Sản xuất linh kiện điện tử từng bước vượt khó

Những năm gần đây, công nghiệp điện tử, công nghiệp hỗ trợ điện tử, gia công linh kiện điện tử đã vượt qua dệt may, công nghiệp hỗ trợ ô tô, xe máy trở thành ngành hàng chủ lực, dẫn đầu danh sách các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2020, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sản xuất của ngành này chỉ đạt 38.891 tỷ đồng, giảm gần 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân được cho là do 2 thị trường tiêu thụ chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan vẫn chưa hoàn toàn mở cửa trở lại; các hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn, hàng loạt đơn hàng bị cắt giảm hoặc hủy bỏ.

Để từng bước vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh, hoàn thành các mục tiêu đề ra; hiện nay, cùng với việc tiếp tục làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đã xây dựng các phương án sản xuất, tìm kiếm các đơn hàng mới, tuyển thêm lao động. Tại Công ty TNHH BHFLEX, khu công nghiệp Khai Quang, thành phố Vĩnh Yên, sau chuỗi ngày phải cho lao động nghỉ việc luân phiên để duy trì hoạt động, thì từ giữa tháng 5/2020, 100% công nhân công ty đi làm bình thường trở lại; nhiều bộ phận đã tăng ca sản xuất và 2 tháng trở lại đây, mỗi tháng công ty đều tuyển dụng thêm từ 100-200 lao động để kịp sản xuất cho các đơn hàng mới.

Theo đại diện Công ty BHFLEX, với uy tín, chất lượng tốt và các sản phẩm chủ yếu cung cấp cho SamSung Việt Nam nên hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty không có nhiều xáo trộn bởi dịch bệnh Covid-19. Đặc biệt, bên cạnh việc kiểm soát tốt dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ và tỉnh Vĩnh Phúc thì việc Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu EVFTA có hiệu lực từ tháng 8/2020 sẽ mở ra cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu của BHFLEX nói riêng, các doanh nghiệp hoạt động sản xuất linh kiện điện tử nói chung.

Còn tại Công ty TNHH Daeduck Việt Nam, khu công nghiệp Bá Thiện, huyện Bình Xuyên hoạt động sản xuất chỉ thực sự ổn định trở lại từ tháng 6/2020. Theo báo cáo của công ty cho thấy, 6 tháng đầu năm, Daeduck Việt Nam đạt doanh thu 560 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ và dự kiến cả năm 2020, tổng doanh thu sẽ không đạt 1.300 tỷ đồng như năm 2019. Tuy nhiên, vượt lên những khó khăn chung của dịch bệnh, công ty đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, duy trì việc làm cho lao động và đạt doanh thu ở mức cao nhất trong năm nay.

Là doanh nghiệp 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất linh kiện điện tử phục vụ sản xuất điện thoại di động, máy tính, tivi, tủ lạnh, điều hòa, máy in, ô tô, sau 13 năm đi vào hoạt động tại khu công nghiệp Khai Quang, Công ty TNHH Jahwa Vina đã thực hiện 13 lần điều chỉnh tăng vốn đầu tư, trở thành doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ uy tín cho hãng điện thoại SamSung. Hiện nay, hơn 3.000 công nhân công ty đã trở lại làm việc bình thường; nhiều bộ phận đã tăng ca sản xuất để hoàn thành các đơn hàng cũ và tập trung cho sản xuất các đơn hàng mới với số lượng lớn mà công ty vừa ký kết.

Với Công ty Haesung Vina - một trong 5 doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử uy tín của Vĩnh Phúc thì từ tháng 5/2020, hoạt động của công ty sôi động trở lại. Hiện cùng với hoàn thành các đơn hàng cũ, công ty luôn chủ động tìm hiểu thị trường, tìm kiếm bạn hàng tiềm năng và đầu tư cải tiến công nghệ, nâng cao tay nghề cho lao động; đồng thời nghiên cứu cải tiến thành công các loại camera khác nhau cho các ứng dụng khác nhau; nghiên cứu, sản xuất một số sản phẩm có tính ứng dụng cao trong đời sống như: modul camera sử dụng trên xe hơi, camera sử dụng trên các thiết bị bay, các sản phẩm camera quang học có độ chính xác cao sử dụng trong lĩnh vực y tế. Theo đại diện công ty, năm 2020, công ty rất khó để đạt và vượt các mục tiêu đề ra, nhưng các đơn đặt hàng những tháng cuối năm sẽ có xu hướng tăng lên do nhu cầu sử dụng các sản phẩm điện thoại, thiết bị camera thông minh của người dân ngày càng tăng.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, hiện Vĩnh Phúc có trên 120 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử. Những năm gần đây, ngành này đã trở thành mặt hàng công nghiệp chủ lực, thúc đẩy tăng trưởng chung của ngành công nghiệp. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu linh kiện điện tử chủ yếu vẫn đến từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử cũng gặp khó khăn trong việc sản xuất do thị trường trong nước chưa thể cung ứng được các sản phẩm linh kiện, phụ tùng của ngành hàng này nên nhà sản xuất gần như phụ thuộc phần nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm, dịch bệnh Covid –19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành điện tử sẽ tiếp tục bị tác động bởi sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường xuất khẩu chủ đạo như Hàn Quốc, Đài Loan, Mỹ, EU.

Để sản xuất linh kiện tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử mong muốn tỉnh tiếp tục quan tâm, có các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, ảnh hưởng dịch bệnh, nhất là các chính sách liên quan đến thuế, nguồn lao động, hoạt động xuất nhập khẩu. Đẩy mạnh các hoạt động thu hút các nhà đầu tư sản xuất công nghiệp hỗ trợ nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành sản xuất linh kiện điện tử nói riêng, các ngành sản xuất, chế tạo sản phẩm công nghiệp nói chung.

Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tích cực cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu. Chỉ đạo các ngành thuế, ngân hàng, hải quan tháo gỡ các khó khăn về thuế, nguồn vốn, tích cực ứng dụng khoa học công nghệ giảm tối đa thời gian làm thủ tục, đẩy nhanh quá trình xuất nhập khẩu. Cùng với đó đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, sản xuất kinh doanh giỏi trong các doanh nghiệp; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các chuyên gia nước ngoài trong việc nhập cảnh, trở lại làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn./.

Thanh Nga

Viết bình luận của bạn
hotline
hotline
Liên hệ qua Zalo
// hủy html